Tham luận của TS. Huỳnh Thanh Trang – Trưởng Khoa Thiết kế và Truyền thông chỉ ra khoảng trống trong chính sách quản lý, đạo đức nghề nghiệp, quyền sở hữu trí tuệ và công tác đào tạo nhân lực thiết kế trong Dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi). Nghiên cứu được trình bày trong Hội nghị “Truyền thông báo điện tử, tạp chí khoa học và kênh nội dung của cơ quan báo chí trên không gian mạng: Thực tiễn nghề nghiệp và quản lý nhà nước” diễn ra chiều ngày 16/6 tại Trường Đại học Thái Bình Dương.
Theo TS. Trang, trong bối cảnh truyền thông hiện đại chịu tác động mạnh mẽ từ công nghệ số, thiết kế truyền thông đang nổi lên như một yếu tố then chốt, không chỉ về mặt thẩm mỹ mà còn trong việc cấu trúc thông tin, kích thích cảm xúc và nâng cao trải nghiệm người dùng. Thiết kế không còn là “lớp vỏ” trang trí mà là một phần thiết yếu định hướng nhận thức và duy trì sự quan tâm của độc giả. Từ đó, tác giả kiến nghị nhìn nhận thiết kế truyền thông như một chuyên ngành độc lập, góp phần định hình tiêu chuẩn nghề nghiệp và chiến lược phát triển báo chí đa nền tảng.
Bên cạnh đó, nhiều tham luận khác cũng thu hút sự quan tâm như: vấn đề bảo hộ quyền tác giả báo chí điện tử, quyền tiếp cận thông tin của nhà báo và công dân, triển vọng phát triển kinh tế báo chí trong nền kinh tế số, các mô hình truyền thông văn hóa – nghệ thuật trên nền tảng số…
Hội nghị không chỉ góp phần định hướng chiến lược phát triển báo chí số tại Việt Nam, mà còn mở ra cơ hội để giới chuyên môn cùng thảo luận, phản biện và đóng góp xây dựng hành lang pháp lý phù hợp với thực tiễn nghề nghiệp trong kỷ nguyên truyền thông mới.






